Tour du lịch leo núi Hồng

01/11/2024 - 17:05
38

Tân Trào vào mùa thu thật đẹp. Mây bồng bềnh trên dãy núi Hồng. Buổi sớm mây sà xuống hồ Nà Nưa, bay phảng phất trong làng Tân Lập, lững lờ trên những mái nhà sàn. Nhìn từ trung tâm quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nhiều du khách ước ao một lần được leo núi Hồng. Một ngọn núi lãng mạn, linh thiêng, chứa đựng độ đa dạng sinh học và giá trị lịch sử. Nơi có di tích lán Nà Nưa tựa lưng vào núi Hồng, nhìn ra dòng suối Khuôn Pén rì rào xưa.

Núi này là núi gì, Bác thích ở gần dân

Tiếp khách trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), ông Hoàng Ngọc, gần 90 tuổi, nhân chứng lịch sử hồi tưởng lại ngày Bác Hồ từ Pác Bó, Cao Bằng về làng Kim Long nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào.

Ông bảo, ngày ấy cả thôn không biết Bác là ai, khi ấy Bác ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã. Bố ông là cụ Hoàng Trung Nguyên là cán bộ giao liên cho Bác. Sau đó bố ông có dẫn Bác đi chọn đất làm lán ở và làm việc, đi được một đoạn xa, Bác hỏi đây là đâu. Cụ Hoàng Trung Nguyên đáp, dạ Bác đây là Lũng Tẩu. Ngẫm nghĩ một lát, Bác bảo muốn ở gần dân, chúng ta lại trở ra.

Khi đến một con suối đang rì rào chảy dưới chân một dãy núi cao, có rừng nguyên sinh bao quanh, cách làng Kim Long không xa, Bác hỏi núi này là núi gì?

Cụ Hoàng Trung Nguyên đáp: Thưa Bác núi này là núi Hồng.

Bác hỏi tiếp: Có thờ thần thánh gì không?

- Dạ không!

- Thế chúng ta sẽ làm lán tại đây.

Và lán Nà Nưa đã được dựng lên trên sườn núi Hồng giữa chiến khu Việt Bắc đúng như chỉ đạo của Bác. Đến nay chiếc lán làm bằng tre, nứa, lợp lá đơn sơ được phụng dựng nguyên mẫu vẫn còn đó, trở thành di tích quan trọng, biểu tượng của Tân Trào, của cách mạng Việt Nam.

Theo ông Hoàng Ngọc núi Hồng tên gọi có từ xa xưa. Ngọn núi là nơi giáp ranh của 2 xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) và xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên theo hình thức phân thủy. Bao đời nay đồng bào các dân tộc xã Tân Trào sống dưới chân núi Hồng luôn ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Vào mùa đông dãy núi chắn một phần gió mùa đông bắc, giúp thời tiết ấm áp. Mùa hè hệ thực vật nguyên sinh trên núi Hồng giúp điều hòa không khí mát mẻ. Dù mùa nào thì dòng suối Khuôn Pén vẫn chảy quanh năm từ chân núi Hồng ra cánh đồng thôn Tân Lập, giúp việc canh tác lúa, ngô, hoa màu được thuận lợi, màu mỡ, năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Ở Tân Trào cũng có một địa danh mang chữ Hồng, đó là đình Hồng Thái. Ông Hoàng Ngọc cho rằng, chữ “Hồng” chắc phải đẹp, linh thiêng, ý nghĩa với vùng đất này nên các cụ xa xưa đã đặt tên cho các địa danh tiêu biểu của xã.

Đánh thức du lịch xanh

Trao đổi với chúng tôi anh Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho rằng, tiềm năng du lịch của Tuyên Quang nói chung và Tân Trào nói riêng là rất lớn. Để biến tiềm năng đó thành sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, hướng tới đưa Tân Trào trở thành Khu du lịch Quốc gia, mới đây Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Flamingo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tài nguyên du lịch tập trung ở khu vực xã Tân Trào, trong đó có tour du lịch leo núi Hồng để định hướng xây dựng sản phẩm du lịch “xanh” đặc trưng.

Cả đoàn khảo sát du lịch chụp ảnh trong rừng vầu trên đỉnh núi Hồng.

Cùng đi với chúng tôi trong chuyến khảo sát tuyến du lịch leo núi Hồng do Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh tổ chức, anh Đỗ Xuân Toại, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo De (Tân Trào, Sơn Dương) cho biết, khu vực núi Hồng thuộc rừng đặc dụng Tân Trào được tỉnh quy hoạch năm 1998 trên cơ sở rừng cấm được Chính phủ quy định. Hiện nay, rừng đặc dụng Tân Trào có gần 4.000 ha, trong đó có trên 3.100 ha là rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng thêm chủ yếu là những cây bản địa theo chương trình quốc gia. Rừng đặc dụng Tân Trào nằm trên địa bàn 5 xã vùng an toàn khu của huyện Sơn Dương gồm các xã: Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên và xã Minh Thanh. Trong vùng có 2 Trạm Kiểm lâm Đèo De và Đèo Xá để quản lý rừng trên địa bàn. Qua chuyến leo núi Hồng, tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của khu vừng nguyên sinh nghìn năm tuổi. Ở đó có những quần thể cây táu vươn cao cả mấy chục mét. Trong những đám rừng xanh thi thoảng lại xuất hiện cây hoa phách tím hay cây lim xẹt bản địa hoa màu vàng, tạo nên một khu rừng lung linh, lãng mạn. Dưới tán rừng gỗ lớn, rừng vầu là một kho tàng cây thảo dược đồ sộ như giảo cổ lam, thiên nhiên kiện, sâm cau.

Ô tô đưa các thành viên của đoàn khảo sát nghỉ ở homestay làng Tân Lập với khoảng 50 người đi theo con đường làng đến khu vực Lũng Tẩu, địa danh đã từng in dấu chân Bác Hồ ở và làm việc ở Tân Trào năm xưa. Cả đoàn háo hức trong tuor du lịch leo, khám phá đỉnh núi Hồng.

Chị Nguyễn Thị Tố Nga, thành viên của đoàn khảo sát được phát một cây gậy “Trường Sơn” bằng nứa, rất nhẹ, vừa tầm mà chắc chắn. Đoàn đi theo lối mòn băng qua những thảm thực vật nguyên sinh có độ đa dạng sinh học cao. Hôm nay trời nắng mà lớp lá rừng che mát rượi, xen lẫn tiếng chim rừng hót líu lo khiến mọi người không cảm thấy mệt. Qua hơn 2 giờ đồng hồ leo núi, đoàn đã lên tới gần đỉnh núi Hồng, nơi giáp ranh với xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Cả một rừng vầu đẹp trải dài hàng km trên đỉnh núi Hồng hiện ra trước mắt du khách. Chị Nga cho biết, quãng đường leo không dốc và khó lắm, khá an toàn cho tour leo núi trải nghiệm Trekking. Lên đây mới biết Tân Trào còn quá nhiều tiềm năng cần được khai thác, đánh thức. Ai cũng say mê chụp ảnh với rừng vầu, rừng táu, những đoạn dây leo khúc khuỷu khổng lồ.

Trải qua quãng đường leo núi tò mò, thích thú, anh Hồ Thanh Chương thành viên đoàn khảo sát nằm đung đưa trên chiếc võng “kháng chiến” trên rừng vầu. Có lẽ sống ở đô thị ồn ào, tấp nập, hôm nay anh Chương cảm thấy bất ngờ, vì khung cảnh trên đỉnh núi Hồng thư thái, dễ chịu, nên thơ mà còn được thưởng thức “bữa cơm kiểu kháng chiến” khá ấn tượng với các vật dụng làm từ cây rừng và món ăn mang bản sắc địa phương. Anh Chương khẳng định đã đi nhiều nơi, trở lại Tân Trào nhiều lần, song đây là lần đầu tiên được khám phá rừng đặc dụng Tân Trào, một kho báu “xanh” nữa của Tuyên Quang. Nếu biết khai thác tốt, tuor du lịch Trekking leo núi này sẽ trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Tân Trào. Khi xuống núi, cả đoàn còn được chiêu đãi ngâm chân nước nóng nấu với lá thuốc của đồng bào nơi đây, thật tuyệt vời.

Rời Tân Trào trong nắng chiều mùa thu, các rừng cây bắt đầu thay sắc lá. Ai cũng tin tưởng Tân Trào sẽ trở thành khu du lịch quan trọng bậc nhất của tỉnh. Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, hấp dẫn du khách gần xa.

Theo: TQĐT

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN SƠN DƯƠNG TỈNH TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Sơn Dương

Trưởng ban biên tập: Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang

Trụ sở: Thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Điện thoại: 0207 3835 697 - Email: sonduong@tuyenquang.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 44/GP-TTĐT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang (https://sonduong.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang