Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

06/10/2023 - 08:33
378

Tuyên Quang là tỉnh nằm trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Với 22 dân tộc sinh sống, là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa những sắc thái văn hoá của các dân tộc thiểu số trong khu vực, với sự đa dạng, phong phú và độc đáo về văn hóa vật chất và tinh thần, bản sắc văn hóa của các dân tộc là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo.

 

Với điều kiện địa lý, địa hình nhiều núi non hùng vĩ và khí hậu trong lành, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo nên những thắng cảnh kỳ thú, hữu tình là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 446 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, 7 di tích khảo cổ, 50 công trình kiến trúc nghệ thuật, Tuyên Quang được ví như một bảo tàng lịch sử, cách mạng, là điều kiện thuận lợi để khai thác loại hình du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh gắn liền với tín ngưỡng của Nhân dân.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch của tỉnh, tập trung xây dựng hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

 

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025 và Kế hoạch phát triển du lịch hằng năm nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch một cách bền vững, thực hiện mục tiêu đưa du lịch Tuyên Quang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

 

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết quan trọng phát triển du lịch: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 14/3/2022 Về Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 28/02/2023 Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang... Trong đó, Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với 10 chính sách hỗ trợ gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ tối thiểu cho nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)hỗ trợ mua sắm thiết bị thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ mua nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch; hỗ trợ đội văn nghệ phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà truyền thống của dân tộc thiểu số, xây dựng nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, mua, đóng mới tàu cao tốc, tàu chở khách du lịch, ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; hỗ trợ chi phí đào tạo nghiệp vụ du lịch; hỗ trợ sản xuất mẫu sản phẩm lưu niệm mới phục vụ du lịch nhằm hướng đến phát triển du lịch cộng đồng để phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp các địa phương trên địa bàn tỉnh theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

 

Mặc dù đại dịch COVID đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành kinh tế; trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch. Song với quyết tâm cao và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, công tác phát triển du lịch trong nửa nhiệm kỳ đã đạt được những kết quả quan trọng. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển, được nâng lên về chất lượng, công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của tỉnh được chú trọng, huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia làm du lịch. Nhiều sự kiện, hoạt động lớn về văn hoá du lịch được tổ chức thành công, như: Khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất năm 2022, Khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang và trao giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á cho Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ hai năm 2023; Lễ hội Thành Tuyên hằng năm được tổ chức gắn với sự kiện văn hoá cấp quốc gia, khu vực và thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng… Qua đó, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tuyên Quang. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 toàn tỉnh đón 6.095.500 lượt khách; tổng thu xã hội từ du lịch đạt 6.420 tỷ đồng, đóng góp cho GRDP 4,7% toàn tỉnh; tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động.

 

Tuy nhiên, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, khó khăn: Sự phát triển của du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu; chất lượng dịch vụ du lịch về ăn uống, vui chơi giải trí, sản phẩm hàng hóa, quà tặng, đồ lưu niệm tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế, thiếu dịch vụ du lịch chất lượng cao (khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, sân golf, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao) đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tuy đã có đổi mới nhưng chưa có chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp; nhân lực du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao; hoạt động liên kết du lịch chưa chặt chẽ, hiệu quả. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, các dịch vụ cao cấp thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn từ du lịch. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND còn hạn chế, mới thực hiện hỗ trợ được 3/10 chính sách hỗ trợ theo quy định.

 

Để du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:

 

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, nhằm thống nhất nhận thức phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung nguồn lực, cần thực hiện với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch; tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu của du lịch Tuyên Quang.

 

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng cường đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế; các chương trình khảo sát, xây dựng tua, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín trong và ngoài nước quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh.

 

3. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng các quy hoạch phát triển du lịch. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các chương trình, đề án phát triển du lịch, nhất là đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông du lịch tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch, xây dựng điểm dừng, nghỉ trên các tuyến đường bộ; hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

 

4. Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Tuyên Quang. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng, nông sản an toàn, đặc sản, phục vụ nhu cầu của thị trường và du khách. 

 

5. Tăng cường liên kết tua, tuyến giữa các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực; chủ động hợp tác với các địa phương trong vùng; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động chương trình hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

 

6. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại điểm du lịch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương. Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; hướng dẫn của các ngành chuyên môn về thực hiện các chính sách phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nhanh, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia phát triển dịch vụ du lịch./.

 

Theo: tuyenquang.dcs.vn

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN SƠN DƯƠNG TỈNH TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Sơn Dương

Trưởng ban biên tập: Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang

Trụ sở: Thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Điện thoại: 0207 3835 697 - Email: sonduong@tuyenquang.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 44/GP-TTĐT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang (https://sonduong.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang