Những ông chủ trẻ ở Chi Thiết

13/11/2024 - 09:57
30

Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn xã Chi Thiết (Sơn Dương) lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, nhất là lớp trẻ, bởi họ dám nghĩ, dám làm, biết cách biến ý tưởng, ước mơ của mình thành hiện thực. Được gặp, được nghe chuyện khởi nghiệp của những “ông chủ trẻ”, càng cảm nhận rõ hơn sự quyết tâm và khát vọng vươn lên làm giàu của họ.

 

“Tậu” dê ngoại, thu lãi hàng trăm triệu đồng

Với những người nuôi dê ở thôn Tây Vặc, xã Chi Thiết, cái tên Dương Văn Nam, sinh năm 1993, đã trở nên quen thuộc. Nhờ chịu khó tìm tòi, đến nay anh Nam đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê ngoại và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê Boer vỗ béo ở địa phương. 

Cũng giống như nhiều hộ dân ở xã Chi Thiết, đời sống gia đình anh Nam cũng không mấy khấm khá. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn không cải thiện, anh Nam quyết định đầu tư chăn nuôi hơn 20 con dê cỏ bản địa.

Tuy nhiên, lúc mới bắt đầu anh Nam chăn nuôi theo tập quán cũ là chăn thả tự nhiên. Đàn dê không có chuồng trại, không được bảo vệ, chăm sóc nên chậm phát triển, có con thì bị dịch bệnh chết. 20 con giống ban đầu, sau một thời gian nuôi không những không tăng lên, mà giảm chỉ còn 17 con. Anh nhận thấy, chăn nuôi với tập quán cũ thì sẽ không thành công mà có nguy cơ ngày càng nghèo thêm.

Anh Dương Văn Nam (thứ 2 từ trái qua phải), thôn Tây Vặc làm kinh tế giỏi với trang trại nuôi dê hơn 200 con.

Anh Nam chia sẻ: Để tìm được một giống dê có nhiều điểm nổi trội như dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều, anh đã đến nhiều trang trại nuôi dê ở các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc và một số trang trại trong huyện tìm hiểu kỹ thuật và lựa chọn giống dê. Năm 2023, từ vốn tích góp và vay mượn bạn bè, anh bỏ ra 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại đảm bảo cao ráo, thoáng mát và vệ sinh môi trường. Sau khi xây dựng xong chuồng trại, anh một lần nữa “khăn gói” ra tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình mua 50 con dê giống Boer nhập khẩu Thái Lan.

Vạn sự khởi đầu nan, do thiếu kiến thức, cộng thêm dê ngoại chưa thích nghi với khí hậu thời tiết, trong quá trình nuôi một số con chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực về vốn. Không nản chí, anh Nam đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê, tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng xã hội. Đàn dê nhập ngoại của anh dần phát triển tốt.

So với giống dê cỏ bản địa, trọng lượng của mỗi con dê Boer ở thời điểm xuất bán tăng thêm 10 - 12 kg, nhờ vậy thu nhập tăng thêm trên 1 triệu đồng/con. Từ  50 con ban đầu, hiện đàn dê đã tăng 200 con/lứa. 

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê, anh Nam nói rằng: Để nuôi dê đạt hiệu quả, anh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng, chống dịch bệnh. Với số lượng 200 con dê, anh tách ra làm 8 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 30 m2, lợp mái tôn đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Ngoài ra, anh Nam đầu tư trồng hơn 3 sào cỏ voi, cung cấp thêm thức ăn như cám, ngô cho dê.

Từ thợ sửa xe đến ông chủ trại chim bồ câu

Sinh năm 1999, chàng trai Trịnh Công Quyết, thôn Phú Thị lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy. Sau khi tốt nghiệp THPT, như bao bạn trẻ khác, Quyết rời quê lên thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm. Quyết xin vào làm nhân viên sửa chữa tại một công ty Honda tại xã Hồng Sơn (Sơn Dương). Dù công việc ổn định, nhưng trong sâu thẳm, Quyết luôn ấp ủ nuôi ước mơ được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Năm 2019, anh Quyết bắt đầu hình thành ý tưởng làm một trang trại quy mô nhỏ nuôi thử nghiệm chim bồ câu lai Pháp. Quyết định từ bỏ công việc ổn định tại thành phố, Quyết trở về quê hương và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp không hề bằng phẳng. Với số vốn ít ỏi, Quyết phải vay mượn 200 triệu đồng từ người thân và bạn bè nuôi chim. Gia đình Quyết không mấy ủng hộ quyết định táo bạo này, họ lo lắng anh sẽ thất bại và mất trắng số tiền đã vay.

Chia sẻ về quyết định táo bạo này, Quyết nói: “Từ bỏ công việc ổn định, lại mang theo một đống nợ tôi lo lắm. Mặc dù chim bồ câu ít bệnh tật nhưng tôi thì chưa có kinh nghiệm, tay chân lại vụng về… Đắn đo mãi nhưng rồi cuối cùng tôi cũng làm, làm không được thì bỏ làm lại. Nghĩ thế mà quyết tâm thôi!”.

Việc đầu tiên nằm trong kế hoạch của chàng trai trẻ tuổi, đó là hành trình rong ruổi chạy xe máy đến học hỏi cách nuôi chim bồ câu của các chủ trại bồ câu giàu kinh nghiệm tỉnh Phú Thọ. Sau đó, anh về xây dựng trang trại trên khu đất trống cạnh nhà với 200 cặp bồ câu lai Pháp.

Những ngày bước vào công việc mới thật gian nan, mỗi ngày anh tỉ mẩn đi tìm những vỏ chai nhựa rồi cắt thành máng đựng nước, thức ăn cột vào chuồng bồ câu. Rồi việc xổ giun sán, phun thuốc diệt ruồi muỗi xung quanh chuồng. Đặc biệt, anh còn tìm tòi học hỏi cách bổ sung dinh dưỡng cho loài chim này. Nhờ  “mát tay” nuôi, lứa chim bồ câu đầu tiên phát triển nhanh và sinh sản tốt, những con chim bồ câu ra ràng nhanh chóng được các thương lái ở TP Tuyên Quang thu mua.

Nhận thấy nguồn lợi từ việc nuôi chim bồ câu, anh Quyết xây dựng trang trại 120 m2 và nuôi 1.200 chim bồ câu. Niềm hân hoan đến chưa được bao lâu, bồ câu đang trong giai đoạn lớn thì đợt dịch cúm Covid-19 ập đến. Anh Quyết bàng hoàng nhớ lại: lúc ấy dịch bệnh, bồ câu không có ai mua, đàn chim của gia đình đối diện với cảnh “có cung không cầu”. Nếu có bán được thì giá cũng thấp chỉ 40.000 đồng/con, giá thức ăn tăng cao, anh thua lỗ hơn 100 triệu đồng.  

Thua lỗ, thất bại đã có lúc anh nản lòng. Nhưng anh lại tự động viên bản thân “có chí thì nên” rồi kiên trì với con đường mình đã chọn. Anh tiếp tục đầu tư thêm hơn 1.200 con giống bồ câu Pháp. Theo đó, kết hợp công nghệ ấp trứng bằng lò, anh đầu tư chăm sóc bồ câu đẻ, lấy trứng ấp. Trời không phụ lòng người, qua đợt dịch bệnh, trang trại của anh Quyết có hơn 1.500 con bồ câu. Hiện tại, trung bình một tháng, anh Quyết bán 50 cặp bồ câu giống với giá 190.000 đồng/cặp và bán gần 100 cặp chim thương phẩm, với giá bán 140.000 đồng/cặp. Anh Quyết thu lãi từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Chuyện khởi nghiệp của thanh niên Dương Văn Nam hay Trịnh Công Quyết chỉ là số ít trong hàng trăm câu chuyện khởi nghiệp thành công được viết lên từ ý chí và quyết tâm của tuổi trẻ.

Đồng chí Hoàng Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã Chi Thiết cho biết, mô hình nuôi chim bồ câu của đoàn viên Nam  và  Quyết  tuy không mới nhưng cách làm của 2 bạn đang truyền cảm hứng cho những bạn trẻ thêm ý chí, quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương mình. Để đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, Đoàn xã Chi Thiết đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như cho vay vốn ưu đãi, tập huấn, trang bị các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ xây dựng ý tưởng, thiết lập các mô hình sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Theo: TQĐT

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN SƠN DƯƠNG TỈNH TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Sơn Dương

Trưởng ban biên tập: Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang

Trụ sở: Thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Điện thoại: 0207 3835 697 - Email: sonduong@tuyenquang.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 44/GP-TTĐT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang (https://sonduong.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang