Mở lối giảm nghèo từ những mô hình nông nghiệp bền vững

18/12/2024 - 15:05
28

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, đồng thời học hỏi cách làm hay để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vừa qua, đoàn công tác của huyện Sơn Dương với hơn 60 cán bộ đã có chuyến công tác học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững tại huyện Than Uyên và Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Đến thăm huyện Than Uyên, đoàn công tác tham quan các mô hình giảm nghèo, nổi bật là mô hình trồng nho Hạ Đen tại xã Hua Nà. Nhắc đến Hua Nà, đây là xã thuộc vùng I của huyện Than Uyên, có vị trí địa lý thuận lợi với gần 3.500 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình nho Hạ Đen tại đây đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với diện tích trồng hơn 2.000 m², mô hình nho Hạ Đen cho hai vụ thu hoạch mỗi năm, năng suất từ 1,5 - 1,8 tấn/vụ. Với giá bán từ 160 - 180 nghìn đồng/kg, người dân có thể thu về từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, mô hình này còn tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 

Trao đổi kinh nghiệm trồng nho Hạ Đen.

Theo ông Lò Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Nà, để cây nho sinh trưởng và phát triển tốt, ngay từ khi triển khai HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, giàn mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại và cây giống từ Đại học Nông lâm Bắc Giang. Bên cạnh đó HTX còn học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tương tự ở tỉnh Sơn La để áp dụng thành công tại Hua Nà.

Sản phẩm nho Hạ Đen không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm tại địa phương. Du khách khi đến vườn nho sẽ được tham quan, tìm hiểu quy trình trồng nho sạch, an toàn và thưởng thức nho tươi tại chỗ, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện Than Uyên.

Bên cạnh mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Hua Nà, nằm cách trung tâm xã Mường Kim, huyện Than Uyên khoảng 25km về phía Tây, làng cá Thẩm Phé có vị trí đắc địa tại lòng hồ thủy điện Bản Chát, là nơi nuôi cá và phục vụ du khách các món ăn ngon từ cá tươi trong lòng hồ. Với diện tích khoảng 10.000m2, cho sản lượng khoảng 800 tấn/năm, HTX tập trung nuôi trồng các loại cá chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế như cá tầm, cá hồi, cá lăng, thực hiện liên kết sản xuất với 35 hộ dân, nuôi 125 lồng cá. Đặc biệt, HTX Than Uyên không chỉ nuôi cá mà còn tổ chức chế biến sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm và liên kết phân phối sản phẩm, tạo thành một vòng tròn khép kín. Đây là những mô hình giảm nghèo bền vững được huyện Than Uyên áp dụng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực cho bà con trong việc xóa đói giảm nghèo.

Làng cá Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên tận dụng lòng hồ thủy điện Bản Chát làm mô hình nuôi cá. 

Tiếp nối chuyến công tác, đoàn đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại mô hình nuôi cá hồi và cá tầm tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Với lợi thế về khí hậu mát mẻ và nguồn nước tự nhiên trong lành, huyện đã định hướng phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức đầu tư phát triển nuôi cá nước lạnh. Mô hình này không chỉ tạo việc làm ổn định cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Tam Đường là địa phương đi đầu trong phát triển chăn nuôi cá nước lạnh ở tỉnh Lai Châu. Trại nuôi cá tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình là một điển hình, khi ban đầu trại cá được đầu tư xây dựng 7 bể nuôi, đến nay quy mô trang trại đã mở rộng lên 23 bể lớn và 20 bể nhỏ, nuôi khoảng 4.000 con cá thương phẩm và cá giống. Với sản lượng hơn 300 tấn cá thịt mỗi năm, trại cá không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn cung ứng ra các thị trường lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Theo ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, để nuôi cá hồi và cá tầm hiệu quả, xã đặc biệt chú trọng vào quy hoạch vùng nuôi, phòng chống thiên tai và áp dụng kỹ thuật thâm canh trong sản xuất. Nhờ đó, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng mô hình này, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình nuôi cá nước lạnh được người dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đầu tư đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm nghèo bền vững.

Ông Diệp Xuân Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương chia sẻ: “Qua chuyến công tác, chúng tôi đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là cách quản lý, triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp. Đây sẽ là tiền đề để huyện Sơn Dương xây dựng các chương trình giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống”.

Chuyến công tác của huyện Sơn Dương đến huyện Than Uyên và Tam Đường không chỉ là cơ hội để đoàn học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mà còn giúp nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Những kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình nho Hạ Đen và nuôi cá nước lạnh sẽ là bài học quý giá để huyện Sơn Dương nghiên cứu, áp dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ngọc Hà

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN SƠN DƯƠNG TỈNH TUYÊN QUANG

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, Cơ quan thường trực: Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện Sơn Dương

Trưởng ban biên tập: Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang

Trụ sở: Thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Điện thoại: 0207 3835 697 - Email: sonduong@tuyenquang.gov.vn

Giấy phép xuất bản số 44/GP-TTĐT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Tuyên Quang

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang (https://sonduong.tuyenquang.gov.vn) khi trích dẫn lại thông tin từ địa chỉ

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang