Xã Chí Viễn nằm ở phía Đông của huyện Trùng Khánh, có tổng diện tích tự nhiên trên 4.300 ha; có 16 xóm với tổng số trên 1.000 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Tày chiếm 85%. Đây là một trong những xã của huyện Trùng Khánh giáp Trung Quốc, có đường biên giới dài 1,5km, dân cư phân bố không đồng đều, trình độ dân trí còn hạn chế, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Năm 2023, thu nhập bình quân đạt 27 triệu đồng/người/năm, hiện nay xã vẫn còn 263 hộ nghèo, chiếm 24%; 244 hộ cận nghèo chiếm 22%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, xã đã tích cực triển khai thực hiện dự án trồng cây hạt dẻ và cây thuốc lá, với số tiền thực hiện trên 920 triệu đồng. Cây hạt dẻ được trồng trong năm 2024 đạt hơn 20 ha, là một trong những cây trồng mang lại nhiều lợi ích trong việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Theo bà Nông Thị Tiên, chủ vườn hạt dẻ tại xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn cho biết, từ khi chuyển sang trồng cây hạt dẻ trên đất của gia đình đã cho năng suất tốt hơn so với trồng ngô. Cùng với đó việc hạt dẻ được nhiều người ưa chuộng cũng nâng giá thành sản phẩm, giúp gia đình bà thu được lợi nhuận cao hơn.
Đoàn công tác huyện Sơn Dương tham quan mô hình trồng cây hạt dẻ tại xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Không chỉ tập trung vào phát triển mô hình trồng cây hạt dẻ tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, mô hình nuôi cá tầm cũng là một trong những mô hình hay, giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước lạnh tại khu vực Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng luôn dồi dào và ổn định quanh năm phù hợp để nuôi các loại cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Theo anh Ngụy Văn Công, chủ Trang trại cá tầm Pác Bó cho hay, với mô hình nông nghiệp thông minh được UBND huyện Hà Quảng hỗ trợ, mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh được xây dựng với hệ thống bể, máy bơm, đường ống dẫn nước tiêu chuẩn, đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cá tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện với trên 5.000 con cá, cho thu hoạch từ 4-5 tấn cá thành phẩm, gia đình anh mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 250 - 300 triệu đồng.
Đoàn công tác huyện Sơn Dương tham quan mô hình nuôi cá tầm tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Từ những mô hình phát triển nông nghiệp giúp người dân giảm nghèo bền vững của tỉnh Cao Bằng, sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác huyện Sơn Dương đã chắt lọc được những bài học trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có thể áp dụng tại địa phương. Theo ông Hoàng Khánh Linh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Sơn Dương, Trưởng đoàn công tác, chuyến đi học tập mô hình kinh tế tại tỉnh Cao Bằng là dịp để các cán bộ lãnh đạo cấp thôn, xã, huyện được giao lưu, học hỏi về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, từ đó chắt lọc bài học để triển khai về địa phương, xây dựng mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, giúp nhân dân giảm nghèo, hướng tới làm giàu bền vững.
Ngọc Hà