Thị trấn Sơn Dương bên dòng sông Phó Đáy.
1. Đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái ở thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Vào năm Khải Định thứ 4 (1919), đình Hồng Thái được dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, gồm ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương. Đình Hồng Thái thờ thành hoàng làng, các vị thần sông, thần núi xung quanh vùng và Ngọc Dung công chúa. Ngoài giá trị văn hóa và tín ngưỡng, đình Hồng Thái còn mang nhiều giá trị lịch sử. Đây là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi Người từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Đình cũng được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 - 15/8/1945) và Quốc dân Đại hội (từ ngày 16 - 17/8/1945).
Đình Hồng Thái
2. Lán Nà Nưa
Lán Nà Nưa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo. Lán Nà Nưa là điểm tham quan, về nguồn của mỗi người dân Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi in đậm bóng dáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già kính yêu của cả dân tộc.
3. Hồ Nà Nưa
Du khách có thể trải nghiệm bơi mảng trên hồ Nà Nưa. Đắm mình trong không gian yên tĩnh có cảnh đẹp nên thơ, non nước hữu tình, có tiếng chim hót giữa rừng xanh. Trải nghiệm đi mảng trên hồ Nà Nưa, du khách được hòa mình vào điệu hát Then, đàn Tính mượt mà của người dân tộc Tày.
Hồ Nà Nưa
4. Đình Tân Trào
Đình Tân Trào nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội - sự kiện lịch sử trọng đại tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công. Đình trước đây có tên là Kim Long, được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng. Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới mái đình này, sáng 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân Đại hội.
Đình Tân Trào
5. Cây Đa Tân Trào
Cách đình Tân Trào khoảng 500m về phía đông là cây đa Tân Trào. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngay sau đó, quân Giải phóng Việt Nam đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của Nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.
Cây đa Tân Trào
6. Khu tưởng niệm các vị tiền bối
Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng được xây dựng trên khu đất rộng, bằng phẳng với diện tích trên 1.000m2, xung quanh được bao quanh như một đóa sen nở rộ gợi nhớ về làng Sen quê Bác. Khi đến đây, du khách sẽ được giới thiệu sự nghiệp, những đóng góp to lớn của các vị tiền bối trong quá trình đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Qua đó, du khách sẽ hiểu hơn về giá trị lịch sử, về sự hi sinh và ý chí quật cường của các lãnh tụ Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tại Tân Trào - Thủ đô kháng chiến.
Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng
7. Làng văn hóa du lịch Tân Lập
Làng văn hóa du lịch Tân Lập Sơn Dương được xây dựng dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng. Tại đây, du khách có thể cùng thưởng thức các món ăn truyền thống của các dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như hát Then, đàn Tính, múa xoè, trống chiêng,... Làng văn hóa du lịch Tân Lập là địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Tuyên Quang.
Làng văn hóa du lịch Tân Lập
Thanh Nguyên