Xóm 7 nhà
Chiều muộn, ánh sáng chỉ còn le lói ở đường chân trời, chúng tôi mới ngược lên Cao Ngỗi. Thôn Cao Ngỗi có 20 hộ, 92 nhân khẩu, 90% là đồng bào Cao Lan. Thôn nằm lưng chừng núi Lịch, có độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, nên khí hậu rất trong lành và mát mẻ. Theo các cụ già trong thôn kể lại, thôn Cao Ngỗi khi xưa có tên là xóm 7 nhà, vì chỉ có 7 nóc nhà của 2 dòng họ Vương và Trần, đồng bào Cao Lan. Năm 1988, có thêm vài hộ lên sinh sống nên xóm được tách địa giới hành chính, thành lập thôn mang tên Cao Ngỗi với khoảng 10 hộ dân.
Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Cao Ngỗi Trần Văn Tập nhớ lại: Khởi đầu gian nan lắm, dường như chỉ có 2 bàn tay trắng, giao thông khó khăn cách trở, gần như tự cung, tự cấp, nước sinh hoạt phải lấy từ khe suối, chưa có điện lưới. Ấy thế nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Sau hàng chục năm “vật lộn” với khó khăn, khắc nghiệt, cuộc sống của bà con Cao Ngỗi bây giờ đã bước sang một trang mới rồi! Đặc biệt, năm 2018 sau khi được nhà nước kéo điện lưới quốc gia về bản, người dân đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm.
Trong câu chuyện vui về sự đổi thay của thôn bản, chuyện Cao Ngỗi có điện vẫn còn rôm rả như ngày cán bộ ngành điện dựng cột, kéo dây. Ông Vương Văn Vượng, thôn Cao Ngỗi kể: Ngày trước, tận dụng dòng suối Cao Ngỗi dài hơn 10 km, chảy từ chân núi Lịch qua những cánh rừng già, người dân nơi đây đã “sản xuất ra điện” bằng việc lợi dụng dòng chảy làm quay tua bin phát điện. Tuy nhiên, máy điện nước công suất nhỏ, đủ thắp vài ba bóng điện chiếu sáng và quạt.
Những cánh rừng tự nhiên được bà con ở Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) bảo vệ xanh tốt.
Chưa kể, để đảm bảo cho máy điện không bị hỏng, các thiết bị điện không lúc nào được ngắt, nên tất cả bóng điện trong nhà sáng thâu đêm ngày. Còn tới mùa mưa, cả làng chịu cảnh đèn dầu vì máy điện phải tháo đem về nếu không lũ ống thổi bay mất máy. Rồi việc tự sử dụng “thủy điện tự chế” tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng rất mừng điều đó đã không xảy ra.
“Ngày đóng điện, bà con ở bản vui lắm. Càng vui hơn khi nguồn sáng về bản đúng dịp bà con đang sửa soạn đón Tết cổ truyền Mậu Tuất. Thế rồi, chẳng ai bảo ai, nhà nào cũng sắm thêm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nhà đã mua nồi cơm điện, ti vi rồi, có nhà còn mua thêm tủ lạnh, quạt điện và máy xay xát…” ông Vượng hồ hởi nói.
Lên thôn Cao Ngỗi hôm nay chúng tôi thấy được sự đổi thay của mảnh đất nơi đây. Cái khó, cái nghèo đang dần được đẩy lùi nhờ những chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, Cao Ngỗi được hỗ trợ xây dựng gần 2 km đường giao thông nông thôn; mạng lưới sóng Viettel; sửa chữa nâng cấp và xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn; người dân được hỗ trợ kiến thức sản xuất…
Tận dụng lợi thế đồi rừng, nguồn cỏ tự nhiên, các hộ đã phát triển mạnh chăn nuôi, trồng trọt. “Đời sống người dân trong bản cũng ấm no hơn khi chăn nuôi được đẩy mạnh theo hướng hàng hóa, toàn thôn hiện có tổng đàn trâu bò hơn 120 con, đàn dê 100 con, gia cầm 2.000 con, hơn 300 đàn ong. Đã có một số hộ hình thành gia trại chăn nuôi quy mô lớn như hộ anh Trần Văn Tuyên vừa trồng 7 ha rừng, vừa chăn nuôi 7 con trâu, 20 con dê, 100 con gà… Rồi người dân Cao Ngỗi còn làm kinh tế bằng việc liên doanh với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy mỗi hộ vài ha”, Trưởng thôn Trần Văn Tập phấn khởi nói.
Từ phát triển kinh tế, nhiều hộ không những thoát được nghèo mà vươn lên làm giàu, điển hình là gia đình ông Vương Văn Hồng có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Cũng như các hộ khác trong thôn, ban đầu gia đình ông Hồng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vài con bò... sau thấy có lợi nhuận cao nên ông mạnh dạn đầu tư tăng đàn, chăn nuôi hàng hóa. Đến nay, gia đình ông có 30 đàn ong mật, nuôi 15 con bò và trồng 20 ha rừng keo.
Gìn giữ rừng xanh
Bên ấm chè với người dân Cao Ngỗi, chúng tôi còn được nghe câu chuyện giữ rừng của đồng bào Cao Lan. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Cao Ngỗi Trần Văn Tập kể rằng: Trước năm 2016, nạn phá rừng ở xã Đông Lợi vẫn xảy ra. Hằng ngày, kiểm lâm địa phương phải tuần tra cả đêm lẫn ngày mới ngăn chặn, xử lý được các trường hợp phá rừng.
Năm 2017, cộng đồng dân cư thôn Cao Ngỗi được thành lập với 20 thành viên. Cộng đồng dân cư thôn thành lập 4 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 5 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tuần. Vậy là từ đó, tất cả người dân Cao Ngỗi xác định rằng “mỗi người dân là một kiểm lâm viên”. Họ ra sức bảo vệ rừng như bảo vệ chính nguồn sống của mình.
Người dân Cao Ngỗi nuôi ong theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, để cả thôn cùng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện đúng với quy ước của bản, tạo được sự đồng thuận của người dân. Cả thôn cam kết không phá rừng và cũng không để ai xâm hại vào rừng. Nhà nào có việc, muốn vào rừng lấy cành củi khô, đều phải báo cáo trưởng thôn, sau khi được cộng đồng thôn đồng ý mới được vào rừng lấy.
Có quy ước bảo vệ và giữ rừng, nhiều năm qua, Cao Ngỗi không xảy ra cháy rừng; không phải xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về bảo vệ rừng. Cũng bởi tâm niệm “rừng nát thì nhà tan, rừng tan thì làng mạt”, nên việc “xẻ thịt” rừng xanh là điều chẳng một ai ở Cao Ngỗi nghĩ tới nữa.
Giữ được rừng và rừng đang mang lại những lợi ích thiết thực. Người dân Cao Ngỗi được vào rừng nhặt quả trám, hạt dổi, các loại cây thuốc và cành cây khô làm củi. Ngoài ra, hàng năm cộng đồng Cao Ngỗi được hưởng 95 triệu đồng từ chính sách giao khoán, bảo vệ rừng tự nhiên của nhà nước. Năm 2023, 15 thành viên cộng đồng bảo vệ rừng thuộc diện hộ nghèo ở thôn Cao Ngỗi còn được hưởng trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu dự án 1, dự án 3, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025. Mức trợ cấp mỗi nhân khẩu 15 kg gạo/tháng, mỗi một năm được trợ cấp 8 tháng.
“Từ nguồn kinh phí bảo vệ rừng, người dân trong thôn đã đã trích lại một phần để đóng góp xây dựng các công trình bể cấp nước sạch, đường giao thông nông thôn... Nhờ vậy, đến nay, thôn không còn lo thiếu nước sạch sử dụng. Đường bê tông nông thôn nội thôn đã được cứng hóa 90%, giúp nhân dân đi lại dễ dàng, lưu thông hàng hóa được thuận lợi” - Trưởng thôn Cao Ngỗi Trần Văn Tập vui mừng nói.
Chúng tôi tạm biệt Cao Ngỗi, mang về phố thị những âm hưởng của núi rừng, cùng những niềm vui đổi thay của vùng đất khó, tin tưởng rằng với sự trợ sức từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, từ nếp nghĩ, cách làm mới, đời sống của bà con Cao Ngỗi sẽ ngày ấm no.
Theo: TQĐT