Khởi nguồn đam mê
Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc dân tộc Sán Dìu thôn Hội Tân, xã Ninh Lai (Sơn Dương) được thành lập từ năm 2011 đến nay có 30 hội viên và thu hút 32 cháu nhỏ thường xuyên tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Mặc dù tuổi tác khác nhau, nhưng tất cả các thành viên đều có chung một niềm đam mê là bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Dìu, đó là làn điệu Soọng Cô, các nghi lễ truyền thống, hay những câu chuyện dân gian được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác…
Các thành viên Câu lạc bộ thôn Hội Tân rạng rỡ trong trang phục truyền thống.
Chúng tôi đến thăm CLB vào dịp tổng kết cuối năm và ngay từ lúc bước vào, một không khí đầm ấm, rộn ràng đã lan tỏa khắp nơi. Tiếng nói cười hòa cùng âm thanh của những khúc hát truyền thống như xua tan cái lạnh của tiết trời đông giá rét. Các bà, các cô tranh thủ chỉnh lại trang phục truyền thống một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Những chiếc áo chàm đen điểm xuyết sắc màu tươi tắn của dải tua rua rực rỡ, tất cả như được khoác lên mình một niềm tự hào khó tả. Giữa không khí ấy, những bàn tay khéo léo của họ không chỉ chăm chút cho trang phục mà còn tập trung ôn lại từng động tác múa, từng câu hát để chuẩn bị cho màn biểu diễn sắp tới. Ở một góc khác, tiếng cười trong trẻo của lũ trẻ vang lên không ngớt. Những em nhỏ hào hứng chạy tới chạy lui, đôi mắt sáng rỡ khi lựa chọn từng chiếc áo, chiếc khăn và các phụ kiện tua rua sặc sỡ trên trang phục truyền thống. Với các em, đây không chỉ là niềm vui được hòa mình vào ngày hội mà còn là cơ hội để gìn giữ và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông Trương Minh Quyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ: Lúc mới thành lập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Không có gì ngoài niềm đam mê và tình yêu với văn hóa dân tộc, nhưng nếu không tiên phong giữ gìn, thì văn hóa cha ông sẽ dần bị lãng quên theo thời gian.
Tiết mục múa hát của các hội viên trong ngày Tổng kết CLB.
Với mong muốn lưu giữ tiếng nói, câu hát Sọng Cô - hồn cốt ngàn đời của người Sán Dìu, ông Quyền đã lặn lội đến từng nhà, kiên trì thuyết phục bằng những lời chân thành, mộc mạc như chính con người ông. "Nếu mình không làm bây giờ thì mai này, con cháu sẽ chẳng còn biết đến câu hát, điệu múa của ông bà"- ông tâm sự. Chính sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm ấy đã lay động nhiều người trong làng. Họ sẵn sàng gác lại những lo toan cơm áo thường ngày, cùng nhau chung sức gìn giữ di sản quý báu mà cha ông để lại.
Bà Tôn Thị Mói, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, xúc động kể lại: Nhiều buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, chúng tôi phải tự bỏ kinh phí mua trang phục, đạo cụ cho các cháu nhỏ. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng vì thấy các cháu mặc những bộ đồ truyền thống, hát những câu hát Soọng Cô là niềm tự hào vô cùng lớn lao. Không chỉ vậy, để dạy được tiếng dân tộc cho lớp trẻ, các thành viên trong CLB đã miệt mài tự biên soạn, dịch lời, rồi in sao thành sách bằng nguồn kinh phí tự túc. Những cuốn sách ấy dù còn đơn sơ nhưng đã giúp các cháu dễ học, dễ hiểu và thêm yêu tiếng nói dân tộc mình.
Các thành viên nhí trong Câu lạc bộ biểu diễn tiết mục mời trầu.
Nhờ sự kiên trì và nỗ lực của các thành viên trong CLB, những câu hát, điệu múa, và tiếng nói của người Sán Dìu không chỉ được giữ gìn mà còn lan tỏa mạnh mẽ vươn xa khỏi những bản làng, đến với các sân khấu lớn và những chương trình văn hóa dân tộc.
Người trẻ thêm yêu văn hoá dân tộc Sán Dìu
Với tinh thần “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, các thành viên nhiệt huyết trong Câu lạc bộ như ông Trương Minh Quyền, bà Tôn Thị Mói, Trịnh Thị Mói, Lý Thị Lan, Miêu Thị Gái… đã không quản ngại vất vả, kiên trì vận động từng gia đình, khơi dậy lòng tự hào và khát vọng bảo vệ văn hóa cội nguồn trong thế hệ trẻ ở Hội Tân và những thôn lân cận trong xã Ninh Lai.
Các cháu nhỏ hiếu kính mời trầu các bà, các cô trong ngày Tổng kết CLB.
Nhiều em nhỏ như cháu Trương Thị Loan Oanh, Trương Đức Trình, Trình Duy Nghĩa, Trương Thị Nhi, Trịnh Thị Vân Anh… đã tìm thấy niềm vui, niềm tự hào khi được tham gia CLB. Từ những đứa trẻ còn bỡ ngỡ, xa lạ với tiếng nói dân tộc mình, nay các em đã có thể hát vang những câu hát Soọng Cô ngọt ngào, múa thành thạo những điệu múa dân gian uyển chuyển và tự tin khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đầy ý nghĩa. Mỗi họa tiết trên chiếc áo đều được các em nâng niu, trân trọng, như hiểu hơn về công sức, tâm huyết mà ông bà, cha mẹ đã gửi gắm qua từng nét thêu. Không chỉ dừng lại ở niềm tự hào cá nhân, những em nhỏ này còn trở thành “hạt giống” truyền thống, lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc đến bạn bè cùng trang lứa.
Cháu Trương Thị Loan Oanh, 9 tuổi cho biết: Cháu đã học được nhiều điều từ các ông, các bà, các cô. Cháu thấy rất vui khi được mặc trang phục truyền thống, hát những bài dân ca và đặc biệt là được kết nối với các bạn trẻ trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu.
Lan tỏa văn hóa Sán Dìu trong cộng đồng, CLB còn sáng tạo, xây dựng những video biểu diễn văn nghệ, những hình ảnh về lễ hội, những chiếc áo thêu đẹp đẽ… để chia sẻ trên mạng xã hội, làm cho văn hóa Sán Dìu vươn xa ra ngoài huyện, ngoài tỉnh.
Theo: TQĐT