Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, tại Tuyên Quang đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau. Anh Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết: Từ khi tận dụng tối đa các công cụ trên mạng xã hội, website để quảng bá, các sản phẩm chè của HTX không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, hội chợ như trước mà vẫn được nhiều người người biết đến. Với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp huyện, các sản phẩm của HTX đưa lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử (TMĐT) như ocop.snntuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn, giúp quảng bá sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng khắp cả nước.
Sản phẩm Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của HTX Sơn Trà được bán
trên website ocop.snntuyenquang.gov.vn
Cùng với việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình ở Tuyên Quang đã đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.
Trang trại bò sữa Hồ Toản, thuộc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được đánh giá là đơn vị mở đầu cho làn sóng ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa không chỉ tại Tuyên Quang mà trên cả nước. Toàn bộ hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động bên trong trang trại từ chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... đã được tự động hóa. Ông Hồ Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bò sữa Hồ Toản khẳng định, trang trại bò sữa của công ty đang áp dụng các quy trình và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới về chăn nuôi bò sữa công nghiệp và chất lượng sữa tốt nhất. Trung bình mỗi ngày trang trại sản xuất 14 - 15 tấn sữa tươi cung ứng cho Công ty cổ phần Sữa Vinamilk chế biến sữa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, chất lượng dưa lưới của Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) đạt chuẩn cao, đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tầm cỡ quốc gia. Theo anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty Green Farm, các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển ổn định nhất.
Tự động hóa quy trình sản xuất, khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm anh Lâm cũng số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi dưa đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm gồm: Giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…
Tuyên Quang có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử…
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương)
giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh hại. Ảnh: Đoàn Thư
Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện nay toàn tỉnh đã hình thành 76 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ, bài bản trên 5 lĩnh vực: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số, phát triển kinh tế số nông nghiệp, phát triển nông dân số, nông thôn số. Sở cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản... đảm bảo cung cấp thông tin, phục vụ việc tra cứu đến doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp HTX, hộ nông dân tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị, phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT.
Mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp Tuyên Quang là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế; tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương…
Nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, đặc biệt là sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số đã và đang từng bước hình thành một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững ở Tuyên Quang.
Theo: tuyenquang.gov.vn
Chương trình phát thanh ngày 04/12/2023
Đang Online: 57
Tổng số truy cập: