Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đã có những đổi mới trong công tác đào tạo nghề, tập trung nâng cao chất lượng và tỷ lệ lao động được đào tạo nghề; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân trong phát triển sản xuất; chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.
Khai giảng lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cho đồng bào dân tộc Mông thôn Tân An, xã Đông Thọ.
Để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả, Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức điều tra khảo sát, xác định các nghề đào tạo, tư vấn học nghề; liên kết với các trường mở các lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người học. Cùng với đó, Trung tâm tập trung huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng hóa các loại hình đào tạo....
Lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, trung tâm mở được 41 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng số 1.435 học viên. Các lớp đào tạo nghề đều dựa trên nguyện vọng của người học và điều kiện sản xuất mỗi địa phương, như: Nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm; nghề trồng trọt như: trồng thanh long, dưa leo, ớt, rau an toàn, lúa hữu cơ, chè hữu cơ, nấm, măng tây … Nghề sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp; điện dân dụng, công nghệ hàn…Đến nay, đã có 22 lớp hoàn thành khoá học và mang lại hiệu quả thiết thực; 100% học viên biết áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, kinh doanh, nhiều học viên tự tạo được việc làm mới sau đào tạo; nhiều hộ gia đình biết kết hợp sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao.
Lớp đào tạo nghề may công nghiệp.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề. Trung tâm chú trọng tới khâu dạy nghề, đào tạo nghề nhằm giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội cho bà con nông dân, cũng như tham gia phối hợp đào tạo nghề cho học viên cơ sở cai nghiện ma tuý, học viên là những đối tượng mãn hạn tù về hoà nhập với cộng đồng theo chính sách của nhà nước.
Bế giảng và trao chứng chỉ cho các học viên sau khi kết thúc khoá học.
Trong thời gian tới, Trung tâm GDNN-GDTX huyện sẽ tiếp tục đổi mới cách thức; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm; Từng bước hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề đủ về số lượng, có chất lượng và xuất khẩu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thị trường sử dụng lao động trong và ngoài nước; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; nâng cao chất lượng nguồn lao động; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết việc làm, ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động nhất là thị trường truyền thống có thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của huyện.
PV
Chương trình phát thanh ngày 05/12/2023
Đang Online: 76
Tổng số truy cập: